Honeymoon xuất phát từ một từ tiếng Anh cổ gọi là “Honymoone”. Hony được liên tưởng tới mật ong ám chỉ “giai đoạn tràn ngập niềm vui và dịu dàng của một cặp vợ chồng mới cưới” và sự ngọt ngào trong giai đoạn đầu của hôn nhân. Trong khi đó, Moone đề cập đến thời gian mà sự ngọt ngào kéo dài. Honeymoon dịch sang tiếng Việt là “tuần trăng mật”. Tuần ở đây không phải là tuần lễ (7 ngày) như chúng ta thường hiểu mà là tuần trăng (a moon) – một vòng của Mặt trăng là 1 tháng khoảng 30 ngày.
Honneymoon là niềm mơ ước của rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới
Những câu chuyện thú vị về nguồn gốc của tuần trăng mật
Ngày xửa ngày xưa, có một thứ rượu ngọt được chế từ mật ong gọi là mead (rượu mật ong) và từ honeymoon ra đời từ một phong tục cổ xưa có liên quan đến thứ đồ uống này. Lời đồn rằng, thời xưa các cặp tân lang tân nương mỗi ngày đều uống một thứ nước có chứa mật ong trong suốt 30 ngày đầu tiên – một tháng (a moon – đó là ví do vì sao một tháng sau này người ta gọi là a month) sau đám cưới. Họ tin điều này sẽ giúp cho cô dâu sớm “đơm hoa kết trái”. Vua Attila, vua của người Hung (the Huns) thậm chí còn say mê thứ đồ uống này đến mức chết vì nghẹt thở (suffocation).
Nhà văn nổi tiếng Charles Panaati trong cuốn sách The Extraordinary Origins of Popular Things (Tạm dịch: Nguồn gốc kỳ lạ của những điều bình thường) lại cho rằng tuần trăng mật có nguồn gốc từ tục bắt cóc cô dâu của người Na-uy. Đó là khoảng thời gian những người mới lập gia đình phải trốn chạy bố mẹ cô dâu để chú rể không bị đánh. Tác giả cũng lập luận rằng từ honeymoon trong tiếng Anh là chính là từ hjunottsmanathr của tiếng Na-uy.
Trong cuốn Abecedarium Anglico Latinum (1552), Richard Huleot lại định nghĩa honymoone dùng để chỉ những cặp đôi lúc đầu thì yêu nhau nồng cháy, nhưng sau đó, tình cảm lại nhạt dần. “Bây giờ thì đang ngọt ngào (honey), nhưng rồi sẽ thay đổi như Trăng (Moon)”– khi tròn khi khuyết (Blount, 1656).
Ngày nay, tuần trăng mật là thời gian để các cặp đôi bên nhau
Tuy nhiên, ý nghĩa hiện tại của từ honeymoon chỉ tới những năm 1800 mới có, được bắt nguồn từ tập tục của tầng lớp khá giả người Anh gốc Ấn sau đám cưới thường sẽ đi thăm những người họ hàng ở xa đã gửi quà cưới nhưng không đến dự lễ cưới được. Phong tục này sau đó lan rộng ra khắp châu Âu từ những năm 1820; người Pháp gọi là voyage à la façon anglaise (English-style voyage) – chuyến đi theo kiểu Anh. Từ đó, honeymoon đã được phổ biến thành một tập tục văn hoá ở hầu hết các vùng miền trên thế giới.
Ngoài honeymoon, các cặp vợ chồng trẻ bây giờ còn có một kỳ nghỉ khác gọi làbabymoon – khoảng thời gian đi nghỉ trước hoặc sau khi sinh em bé để chuẩn bị hoặc dưỡng sức cho những tháng ngày sinh con và chăm con vất vả. Đây là một từ khá “trẻ” trong tiếng Anh, mới chỉ xuất hiện từ những năm 2000 sau sự ra đời cuốn sách The Year After Childbirth của Sheila Kitzinger năm 1996.
Trang About.com cũng đã công bố một vài con số về Tuần trăng mật rất thú vị như sau:
- Ước tính có khoảng 1.4 triệu cặp đôi ở Mỹ mỗi năm quyết định hưởng tuần trăng mật.
- Trong số các cặp đôi lựa chọn làm lễ cưới theo kiểu truyền thống thì có đến 99% sẽ đi hưởng tuần trăng mật.
- Trung bình, tuần trăng mật sẽ được lên lịch 4 tháng trước lễ cưới.
- Trung bình, chi phí dành cho tuần trăng mật chiếm khoảng 14% ngân sách lễ cưới.
- Trung bình, tuần trăng mật thường kéo dài 8 ngày.
- 62% các cặp đôi sử dụng tuần trăng mật để ở bên nhau.